書院:宣言獨立𧵑渃越南民主共和
「悉𪥘󠄁𤗆𠊛調生𫥨平等。造化朱𣱆仍權空埃固体侵犯得、𥪝仍權𧘇、固權得𤯩、權自由吧權謀求幸福。」
𠳒不朽𧘇於𥪝版宣言獨立𢆥1776𧵑渃美。推㢅𫥨、句𧘇固意義𱺵:悉𪥘󠄁各民族𨑗世界調生𫥨平等;民族𱜢拱固權𤯩、權充暢吧權自由。
版宣言人權吧民權𧵑革命法𢆥1791拱吶:
「𠊛些生𫥨自由吧平等𧗱權利、吧沛㫻㫻得自由吧平等𧗱權利。」
妬𱺵仍𨤰沛空埃挃𠳚得。
勢𦓡欣80𢆥𫢩、𡇐殖民法利用蘿旗自由、平等、博愛、𦤾劫𡐙渃些、壓逼同胞些。行動𧵑衆債𠳾貝人道吧正義。
𧗱政治。—衆絕對空朱民些𠬠𡭧自由民主𱜢。
衆施行仍律法野蠻。衆立𠀧制度恪僥於中、南、北抵拫捍役統一渃茹𧵑些、抵拫捍民些團結。
衆立𫥨茹囚𡗉欣場學。衆𣦎𢬣㓠𨦬仍𠊛㤇渃傷㐻𧵑些。衆浸各局起義𧵑些𥪝仍𣷭𧖱。
衆𦀾𫃚輿論、施行政策愚民。
衆用𫇿片、𨢇、醌、抵𫜵朱㐻𥞖些衰弱。
𧗱經濟。—衆剝蛻民些𦤾盡𩩫髓遣朱民隢難少寸、渃些綀殼、蕭條。
衆劫空𬏇𡐙、𡌢𡎡、原料。
衆𡨺獨權印紙鉑、出港吧入港。
衆撻𫥨恆𤾓次稅無理、𫜵朱民些、一𱺵民𦓿吧民販、𠭤𢧚貧窮。
衆空朱各茹資產些得𢀭𬨠。衆剝蛻工人些𠬠格無窮殘忍。
𬁒秋𢆥1940、發哳日𦤾侵凌東洋抵𢲫添根據打同盟、時𡇐殖民法跪𨆝投降、𢲫𨷯渃些逴日。自妬民些𠹾𠄩層鋥𦀗:法吧日。自妬、民些𪨈極苦、隢難。結果𱺵𡳳𢆥𢫑𨖅頭𢆥𫢩、自廣治𦤾北圻、欣2兆同胞些被𣩂𩟡。
𣈜9𣎃3𢆥𫢩日削器械𧵑軍隊法。𡇐殖民法或𠬃𧼋、或投降。勢𱺵拯仍衆空「保護」得些、債徠、𥪝5𢆥、衆㐌「𬥓」渃些2吝朱日。
𠓀𣈜9𣎃3、別包吝越盟㐌叫噲𠊛法聯盟抵𢶢日。𡇐殖民法㐌空答應、徠𣦎𢬣恐怖越盟欣𠓀。甚至𦤾欺輸𧼋、衆𡀳忍心𪲽脺數佟囚政治於安沛吧高平。
雖丕、對貝𠊛法、同胞些吻𡨺𠬠態度寬洪吧人道。𢖖󠄁局變動𣈜9𣎃3、越盟㐌𢴇朱𡗉𠊛法𧼋過邊陲、徠救朱𠊛法𫥨𠺌茹監日、吧保衛性命、財產朱𣱆。
⁂
事寔𱺵自𬁒秋𢆥1940、渃些㐌成屬地𧵑日、渚空沛屬地𧵑法𡛤。欺日降同盟時人民𪥘󠄁渃些㐌浽𧻭𧶄政權、立𢧚渃越南共和民主。
事寔𱺵民些㐌𥙩徠渃越南自𢬣日、渚空沛自𢬣法。
法𧼋、日降、𤤰保大退位。民些㐌打𢭰各鋥𦀗殖民近100𢆥𫢩抵𨠳𥩯𢧚渃越南獨立。民些徠打𢭰制度君主𠇍𱑕世紀𦓡立𢧚制度民主共和。
𤳸勢朱𢧚衆碎—臨時政府𧵑渃越南㵋—代表朱全民越南宣布脫離𠳾關係殖民貝法、扠𠬃歇仍協約𦓡法㐌記𧗱渃越南、扠𠬃悉𪥘󠄁𤗆特權𧵑法𨑗𡐙渃越南。
全民越南𨑗𨑜𠬠𢚸決裂𢶢徠陰謀𧵑𡇐殖民法。
衆碎信哴各渃同盟㐌公認仍原則民族平等於各會議濟嗄𤎜吧舊金山、決空体空公認權獨立𧵑民越南。
𠬠民族㐌肝𧣳𢶢軛奴隸𧵑法欣80𢆥𫢩、𠬠民族㐌肝𧣳𨅸𧗱派同盟𢶢發哳𠇍𢆥𫢩、民族妬沛得自由!民族妬沛得獨立!
爲仍𨤰𨑗、衆碎—政府臨時𧵑渃越南民主共和—鄭重宣布貝世界哴:
「渃越南固權享自由吧獨立、吧事寔㐌成𠬠渃自由吧獨立。全體民越南決𨑻悉𪥘󠄁精神吧力量、性命吧𧵑𣒵抵𡨺凭權自由吧獨立𧘇」。
記𠸜:
胡志明(主席)、陳輝燎、武元甲、朱文晉、楊德賢、阮文素、阮孟河、瞿輝近、范玉石、阮文春、武仲慶、范文同、陶仲金、武廷槐、黎文獻。
« Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo-hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm-phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự-do và quyền mưu cầu hạnh-phúc. »
Lời bất-hủ ấy ở trong bản Tuyên-ngôn Độc-lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: Tất cả các dân-tộc trên thế-giới đều sinh ra bình-đẳng; dân-tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung-sướng và quyền tự-do.
Bản Tuyên-ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách-mạng Pháp năm 1791 cũng nói:
« Người ta sinh ra tự-do và bình-đẳng về quyền-lợi, và phải luôn luôn được tự-do và bình đẳng về quyền-lợi. »
Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.
Thế mà hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa.
Về chính trị. — Chúng tuyệt đối không cho dân ta một chút tự do dân chủ nào.
Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân ta đoàn kết.
Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu.
Chúng ràng-buộc dư luận, thi-hành chính-sách ngu-dân.
Chúng dùng thuốc-phiện, rượu, cồn, để làm cho nòi giống ta suy nhược.
Về kinh-tế. — Chúng bóc lột dân ta đến tận xương tủy khiến cho dân nghèo-nàn thiếu-thốn, nước ta xơ-xác, tiêu-điều.
Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên-liệu.
Chúng giữ độc-quyền in giấy bạc, xuất-cảng và nhập-cảng.
Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn, trở nên bần cùng.
Chúng không cho các nhà tư-sản ta được giầu lên. Chúng bóc lột công-nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn.
Mùa thu năm 1940, phát-xít Nhật đến xâm-lăng Đông-Dương để mở thêm căn-cứ đánh Đồng-Minh, thì bọn thực-dân Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật. Từ đó dân ta chịu hai tầng xiềng-xích: Pháp và Nhật. Từ đó, dân ta càng cực khổ, nghèo nàn. Kết quả là cuối năm ngoái sang đầu năm nay, từ Quảng-trị đến Bắc-kỳ, hơn 2 triệu đồng bào ta bị chết đói.
Ngày 9 tháng 3 năm nay Nhật tước khí-giới của quân đội Pháp. Bọn thực-dân Pháp hoặc bỏ chạy, hoặc đầu hàng. Thế là chẳng những chúng không « bảo-hộ » được ta, trái lại, trong 5 năm, chúng đã « bán » nước ta 2 lần cho Nhật.
Trước ngày 9 tháng 3, biết bao lần Việt-Minh đã kêu gọi người Pháp liên-minh để chống Nhật. Bọn thực dân Pháp đã không đáp ứng, lại thẳng tay khủng bố Việt-Minh hơn trước. Thậm chí đến khi thua chạy, chúng còn nhẫn tâm giết nốt số đông tù chính-trị ở Yên-Báy và Cao-Bằng.
Tuy vậy, đối với người Pháp, đồng bào ta vẫn giữ một thái độ khoan hồng và nhân đạo. Sau cuộc biến động ngày 9 tháng 3, Việt-Minh đã giúp cho nhiều người Pháp chạy qua biên thùy, lại cứu cho người Pháp ra khỏi nhà giam Nhật, và bảo vệ tính mạng, tài sản cho họ.
⁂
Sự thực là từ mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa. Khi Nhật hàng Đồng-Minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy dành chính quyền, lập nên nước VIỆT-NAM CỘNG-HÒA DÂN-CHỦ.
Sự thực là dân ta đã lấy lại nước Việt-Nam từ tay Nhật, chứ không phải tự tay Pháp.
Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo-Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt-Nam độc-lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân-chủ Cộng-hòa.
Bởi thế cho nên chúng tôi — Lâm-thời Chính-phủ của nước Việt-Nam mới — đại biểu cho toàn dân Việt-Nam tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ thực dân với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt-Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt-Nam.
Toàn dân Việt-Nam trên dưới một lòng quyết liệt chống lại âm mưu của bọn thực dân Pháp.
Chúng tôi tin rằng các nước Đồng-Minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các hội nghị Tê-hê-răng và Cựu-kim-sơn, quyết không thể không nhận quyền độc-lập của dân Việt-Nam.
Một dân-tộc đã gan-góc chống ách nô-lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân-tộc đã gan-góc đứng về phe Đồng minh chống Phát-xít mấy năm nay, dân-tộc đó phải được tự do! Dân-tộc đó phải được độc lập!
Vì những lẽ trên, chúng tôi — Chính-phủ lâm-thời của nước Việt-Nam dân-chủ cộng-hòa — trịnh-trọng tuyên-bố với thế-giới rằng:
« Nước Việt-Nam có quyền hưởng tự-do và độc-lập, và sự thực đã thành một nước tự-do và độc-lập. Toàn thể dân Việt-Nam quyết đem tất cả tinh-thần và lực-lượng, tính-mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc-lập ấy ».
Ký tên:
Hồ-chí-Minh (chủ-tịch), Trần-huy-Liệu, Võ-nguyên-Giáp, Chu-văn-Tấn, Dương-đức-Hiền, Nguyễn-văn-Tố, Nguyễn-mạnh-Hà, Cù-huy-Cận, Phạm-ngọc-Thạch, Nguyễn-văn-Xuân, Vũ-trọng-Khánh, Phạm-văn-Đồng, Đào-trọng-Kim, Vũ-đình-Hòe, Lê-văn-Hiến.